Nhà ở hình thành trong tương lai là gì?
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội hiện nay cụm từ nhà ở hình thành trong tương lai đã trở nên rất phổ biến tuy nhiên không phải ai cũng biết Nhà ở hình thành trong tương lai là gì? Loại nhà này có mua bán thế chấp được không? Trong nội dung bài này Luật Việt Hưng sẽ trao đổi các nội dung cơ bản của nhà ở hình thành trong tương lai.
Đặc điểm và khái niệm về nhà ở hình thành trong tương lai
Điều 108 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai:
“1. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
a) Tài sản chưa hình thành;
b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.”
Như vậy, bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản hình thành trong tương lai là loại tài sản chưa hoàn thành hoặc tài sản đã hình thành nhưng chủ thể đã xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Và nhà ở cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, khoản 19 Điều 3 Luật Nhà ở 2014, có quy định như sau:
- Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
- Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, quy định về việc xác định nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai như sau:
“5. Việc xác định nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai được quy định như sau:
a) Nhà ở có sẵn là nhà ở đã có biên bản nghiệm thu hoàn thành việc xây dựng đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; trường hợp nhà ở do chủ đầu tư tự thực hiện xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (nhà ở không bắt buộc phải do đơn vị có năng lực thực hiện xây dựng) thì phải đáp ứng điều kiện đã có hệ thống điện, nước phục vụ cho sinh hoạt, có hệ thống phòng cháy, chữa cháy (nếu nhà ở thuộc diện bắt buộc phải có hệ thống phòng cháy, chữa cháy);
b) Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở không đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm a Khoản này.”
Như vậy, từ các quy định trên, có thể thấy nhà ở hình thành trong tương lai là loại nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Nhà ở hình thành trong tương lai có thể mua bán, cho thuê, đổi, thế chấp, góp vốn không? Điều kiện để nhà ở hình thành trong tương lai được tham gia giao dịch là gì?
Để trả lời câu hỏi này Điều 118 Luật Nhà ở 2014, quy định về điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch, cụ thể:
– Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Các điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
– Giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận:
+ Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai;
+ Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương;
+Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;
+ Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;
+ Nhận thừa kế nhà ở;
+ Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Các giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
– Trường hợp nhà ở cho thuê thì ngoài các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này, nhà ở còn phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo đó, nhà ở hình thành trong tương lai được tham gia giao dịch khi các điều kiện như: Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Điều kiện thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai là gì?
Tại Điều 148 Luật Nhà ở 2014, quy định về điều kiện thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, như sau:
- Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện quy định tại điểm a khoản này, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp theo quy định tại điểm a khoản này;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân thế chấp nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 147 của Luật này thì phải có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, Giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải có Giấy phép xây dựng.
Trường hợp người thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai mua nhà ở của chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với chủ đầu tư, có văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở nếu là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định, có giấy tờ chứng minh đã đóng tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng mua bán và không thuộc diện đang có khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở hoặc về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở này.
– Việc thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện theo quy định tại Luật này; các trường hợp thế chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai không đúng với quy định tại Luật này thì không có giá trị pháp lý.
Trên đây là một số nội dung liên quan và quy định pháp lý đối với nhà ở hình thành trong tương lai mà khách hàng có thể tham khảo.
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ
Luôn tận tâm vì bạn!
CÔNG TY LUẬT VIỆT HƯNG
VPGD: Phòng 2401 - Tòa nhà 24T1 - Đường Hoàng Đạo Thúy - P.Trung Hòa - Quận Cầu Giấy - TP. Hà Nội.
Điện thoại: 024 6292 4060
Hotline: 0933 835 886
Website: luatviethung.com
Email: luatviethung01@gmail.com