skip to Main Content
Menu

Sang tên sổ đỏ nhà đất khi được hưởng thừa kế

Ông bà, bố mẹ …đã mất và có để lại tài sản là nhà đất mà chưa chuyển sang tên của bạn? sổ đỏ – giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn mang tên người đã chết…? Làm thế nào để thay tên người đã chết trên sổ đỏ? Sổ đỏ mang tên người đã chết có bán được không? người đứng tên trên sổ đỏ đã chết có thế chấp vay vốn được không? Thủ tục khai nhận di sản thừa kế là gì? Để trả lời câu hỏi này, luật sư công ty luật Việt Hưng sẽ tư vấn thủ tục sang tên sổ đỏ nhà đất khi được hưởng thừa kế với trường hợp cụ thể của khách hàng dưới đây để khách hàng tham khảo.

Thủ tục sang tên sổ đỏ nhà đất khi được hưởng thừa kế (ảnh minh họa)

Tóm tắt câu hỏi: Thưa luật sư, năm 2009 bố tôi mất và không để lại di chúc, sổ đỏ của ngôi nhà và mảnh đất hiện tại có địa chỉ tại phường phố Huế quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội mang tên bố và mẹ tôi. Giờ mẹ tôi cũng đã nhiều tuổi nên muốn chuyển tên sổ đỏ sang đứng tên tôi (tôi là người con chung duy nhất giữa bố mẹ tôi). Tôi được biết trước khi kết hôn với mẹ tôi, ở quê bố tôi đã kết hôn và có 03 người con chung. Hiện có một người đã định cư tại cộng hòa Liên bang Đức và một người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Tôi cũng đã hỏi một số người họ bảo không thể chuyển sang tên sổ đỏ đứng tên mình tôi được nếu không có sự đồng ý của những người con riêng của bố tôi nhưng họ đang ở nước ngoài thì liên hệ bằng cách nào được và tôi nghĩ đó là nhà đất của riêng bố mẹ tôi thì sao họ lại có quyền ký? 

Bổ sung thông tin: Trang sau sổ đỏ có ghi chưa nộp lệ phí trước bạ và tiền sử dụng đất.

Nhờ luật sư tư vấn làm thế nào để sang tên sổ đỏ nhà đất đó đứng tên riêng mình tôi được và có cần phải có sự đồng ý của những người kia không? xin cảm ơn!

Trả lời: (mang tính tham khảo)

Chào bạn, theo nội dung bạn hỏi chúng tôi biết rằng tài sản là nhà đất tại phường phố Huế là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn và trước khi chết bố bạn không để lại di chúc nên phần tài sản riêng của bố bạn trong khối di sản chung của bố bạn sẽ được chia theo pháp luật. Điểm a, khoản 1 Điều 650 bộ luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;…”

Tuy nhiên, cũng theo theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn chưa nộp lệ phí trước bạ và tiền sử dụng đất nên chưa thể thực hiện được thủ tục khai nhận di sản thừa kế – sang tên sổ đỏ thừa kế đứng tên bạn được mà bạn cần phải làm công việc sau:

– Nộp lệ phí trước bạ và tiền sử dụng đất:

Để thực hiện được thủ tục này bạn cần chuẩn bị những hồ sơ bao gồm:

  • Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 02 bản sao chứng thực;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính;
  • Tờ khai lệ phí trước bạ;
  • Chứng minh nhân dân; Sổ hộ khẩu chứng thực của người có tên trên Sổ đỏ;
  • Giấy ủy quyền – nếu người sử dụng đất không trực tiếp làm thủ tục.

Sau khi bạn và gia đình nộp đủ hồ sơ thì sẽ có thông báo thuế để bạn nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ và nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có đóng dấu đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính).

– Khai nhận di sản thừa kế đối với phần di sản do người chết để lại:

Để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế phần di sản của bố bạn để lại cần xác định hàng thừa kế của bố bạn gồm những ai? Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, những người thừa kế của bố bạn ba gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết tức bao gồm cả những người con riêng trước đây mà hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài.

Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế phần di sản của người chết để lại

Những người thuộc hàng thừa kế nêu trên cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính;
  • Chứng minh nhân dân/hộ chiếu/hộ khẩu/căn cước công dân của những người thừa kế;
  • Giấy khai sinh của những người con của người để lại di sản thừa kế;
  • Giấy chứng tử của cha, mẹ của người để lại di sản nếu họ đã chết;
  • Sơ yếu lý lịch có xác nhận chính quyền địa phương của một trong những người thuộc hàng thừa kế;
  • Đối với trường hợp những người con đang ở nước ngoài nếu không thể về được có thể liên hệ với đại sứ quán để làm giấy ủy quyền cho một trong những người thuộc hàng thừa kế để ký vào Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
  • Niêm yết công khai Thông báo thừa kế tài sản tại nơi thường trú cuối cùng của người chết. Nếu người chết có nhiều tài sản hoặc có hộ khẩu thường trú cuối cùng không trùng với nơi có tài sản thì có thể niêm yết thêm tại nơi có tài sản.

Lưu ý: Nếu người chết có nhiều tài sản thì nên làm khai nhận di sản thừa kế một lần để tránh thực hiện thủ tục nhiều lần đối với từng tài sản để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, luật Việt Hưng sẽ soạn Văn bản khai nhận di sản thừa kế để những người thuộc hàng thừa kế ký tên, điểm chỉ vào Văn bản. Nếu tất cả những người thừa kế đồng ý tặng cho phần di sản thừa kế mà họ được hưởng cho bạn thì bạn được đứng tên trên toàn bộ tài sản là nhà đất đó.

Thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ nhà đất khi được hưởng thừa kế

Người nhận di sản thừa kế chuẩn bị những gồm sau để sang tên sổ đỏ nhà đất khi được hưởng thừa kế:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gọi là sổ đỏ;
  • Văn bản khai nhận di sản thừa kế;
  • Chứng minh nhân dân/hộ chiếu/hộ khẩu/căn cước công dân của những người thừa kế;
  • Giấy khai sinh của những người con của người để lại di sản thừa kế;
  • Giấy chứng tử của cha, mẹ của người để lại di sản nếu họ đã chết;
  • Văn bản ủy quyền của người đang ở nước ngoài;
  • Đơn đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo mẫu Mẫu số 09/ĐK;
  • Tờ khai lệ phí trước bạ theo Mẫu số 01
  • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
  • Tờ khai thuế đất phi nông nghiệp;
  • Biên lai thu thuế đất phi nông nghiệp của năm gần nhất.

Sau khi đã đầy đủ hồ sơ, bạn nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ nhà đất khi được hưởng thừa kế tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội. Nếu hồ sơ đầy đủ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ tiếp nhận và trao giấy biên nhận hồ sơ và trả kết quả. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ bạn sẽ được hướng dẫn bổ sung.

Trên đây, luật sư công ty luật Việt Hưng hướng dẫn và tư vấn thủ tục sang tên sổ đỏ nhà đất khi được hưởng thừa kế. Mọi thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc thực hiện các thủ tục nhà đất…quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT, QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

Luôn tận tâm vì bạn!

CÔNG TY LUẬT VIỆT HƯNG

VPGD: Phòng 2401 - Tòa nhà 24T1 - Đường Hoàng Đạo Thúy - P.Trung Hòa - Quận Cầu Giấy - TP. Hà Nội.

Điện thoại: 024 6292 4060 

Hotline: 0933 835 886

Website: luatviethung.com

Email: luatviethung01@gmail.com

Back To Top